Main » 2012 » Tháng bảy » 24 » Có bao nhiêu bác sĩ viết chữ khó đọc
10:50 PM
Có bao nhiêu bác sĩ viết chữ khó đọc

Có bao nhiêu bác sĩ viết chữ khó đọc

Nguyễn Văn Tuấn

(Tuổi Trẻ 6/4/09)

Tuần vừa qua, báo Tuổi Trẻ đăng một loạt bài phàn nàn về tình trạng (vâng, phải nói là tình trạng) chữ viết của bác sĩ quá khó đọc đối với người bán thuốc. Ngay cả giới bác sĩ cũng đọc không nổi chữ viết của đồng nghiệp như phản ảnh trong bài này. Đây là một trong những đề tài trong phạm vi sai sót y khoa, vốn rất được quan tâm trong vài năm gần đây.

Những phản ảnh của công chúng qua báo chí như vừa đề cập thường hàm ý rằng giới bác sĩ viết chữ ẩu. Thật ra, đã từ lâu công chúng thường hay cảm nhận rằng giới bác sĩ viết chữ khó đọc. Nhưng cảm nhận chữ bác sĩ khó đọc có lẽ chỉ là cảm tính, chứ chúng ta chưa thấy bằng chứng thực tế cho cảm nhận đó. Chắc chắn không phải bác sĩ nào cũng viết chữ khó đọc. Do đó, 2 câu hỏi đặt ra là: (a) có bao nhiêu bác sĩ viết chữ khó đọc; và (b) có thật sự chữ bác sĩ khó đọc so với chữ viết của các chuyên gia khác?

Trong một nghiên cứu nhỏ, các nhà nghiên cứu thẩm định 207 phiếu yêu cầu chụp x-quang của các bác sĩ gia đình và bác sĩ làm việc trong bệnh viện, và kết quả cho thấy 95,2% hoàn toàn dễ đọc, chỉ có 4,3% là khó đọc, và 0,5% là không thể đọc được (1). Như vậy, số bác sĩ viết chữ như dưới đây rất thấp trong cộng đồng bác sĩ, có thể dưới 1%.

Một toa thuốc do một bác sĩ viết. Nguồn: Tuổi trẻ.

Năm 1998, để đánh giá và so sánh chữ viết của bác sĩ và các chuyên gia khác, một nhóm nghiên cứu bên Anh thực hiện một nghiên cứu thú vị. Trong nghiên cứu này, có ba nhóm: 38 bác sĩ, 32 chuyên gia xét nghiệm và y tá, và 22 giám đốc hành chính (quản lí). Mỗi người được cho một mẫu giấy gồm 26 ô chữ để viết mẫu tự, và 10 ô để viết số. Các đối tượng tham gia nghiên cứu được báo cho biết rằng chữ viết của họ sẽ được cho máy vi tính "đọc”, nên cần phải viết gọn gàng. Họ sử dụng phầm mềm Teleform để phân tích và cho điểm các mẫu chữ viết. Nếu một mẫu tự hay số nào máy vi tính đọc không được, máy sẽ cho 1 điểm sai.

Kết quả cho thấy điểm sai trung bình của nhóm bác sĩ là 7 điểm, cao hơn y tá và chuyên gia xét nghiệm (điểm trung bình 3) và các giám đốc hành chính (điểm trung bình 4). Tuy nhiên, về số thì không có khác biệt giữa ba nhóm với điểm sai trung bình là 1. Tại sao bác sĩ có xu hướng viết chữ khó đọc, trong khi họ viết số thì không đến nỗi tệ? Không ai biết lí do, nhưng các nhà nghiên cứu suy luận rằng có lẽ họ đặt nặng tầm quan trọng đến liều lượng thuốc hơn là tên thuốc (2).

Phần lớn những sai sót liên quan đến viết tắt không rõ ràng, và sai liều lượng. Chẳng hạn như thuốc Norvasc dùng điều trị cao huyết áp có tên gần giống với thuốc Navane nhưng dùng để điều trị chứng rối loạn tâm thần, hay Levoxine dùng điều trị rối loạn tuyến giáp na ná với Lanoxin dùng cho chứng suy tim, hay Prilosec dùng cho chứng loét tá tràng và Prozac dùng cho chứng trầm cảm. Chỉ cần sai một vài mẫu tự là có thể gây hệ quả nghiêm trọng. Ngoài ra, viết sai liều lượng như 0,5 mg thay vì 5 mg cũng có thể gây tác hại nguy hiểm.

Theo ước tính của các nhà nghiên cứu y khoa, hệ quả của viết ẩu của giới bác sĩ rất nghiêm trọng vì liên quan đến mạng sống con người. Theo một ước tính ở Mĩ, hơn 7000 người chết vì chữ viết của bác sĩ. Theo báo cáo của Viện y khoa thuộc Viện hàn lâm khoa học Mĩ, những sai sót liên quan đến toa thuốc có thể ngăn ngừa được là 1,5 triệu ca mỗi năm (trong số 3,2 tỉ toa thuốc).

Ở nước ta, không ai biết hệ quả của chữ viết bác sĩ khó đọc ra sao, vì chưa có nghiên cứu. Nhưng kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy đây là một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng y tế mà giới quản lí cần phải quan tâm. Như một thói quen, khi nói đến "chữ bác sĩ” người ta thường cười như là chuyện viết chữ khó đọc của giới bác sĩ là một điều đương nhiên hay một chuyện đùa. Nhưng viết ẩu để ảnh hưởng đến sinh mạng của bệnh nhân thì không thể xem là chuyện đùa được.

Tài liệu tham khảo:

[1] A Parker, N Ridley. The truth about doctors' handwriting. BMJ 3/7/2001.

[2] R Lyons, et al. Legibility of doctors' handwriting: quantitative comparative study. BMJ 1998;317:863-864.

(theo : ykhoa.net)

Category: Bài viết sưu tầm | Views: 811 | Added by: hocsinhphumy86 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]

Trang chủ | Cảm nghĩ - Nhắn tin | Bài viết của Bạn | Thư viện ảnh | Slideshow ảnh | Video HSPM86 | Thông tin Bạn bè | Thông tin Thầy Cô | Miss 86 | Diễn đàn HSPM86

Copyright © 2024