Trước khi kết luận điều gì đó có thể làm tổn thương một người thầy/cô, xin hãy nhớ cho họ cũng chỉ là con người và sau lưng họ cũng có cả một gia đình thân yêu cần được đảm bảo một cuộc sống đầy đủ như bao gia đình khác.
Có thể thấy một sự vô lý trong giáo dục hiện nay, đó là việc yêu cầu giáo viên phải làm tốt quá nhiều việc không phải chuyên môn của giáo viên.
Xu hướng nghề nghiệp thế kỷ 21 đó là chuyên sâu trong lĩnh vực hẹp, có bao giờ xã hội chê trách một bác sỹ răng hàm mặt mà không biết đỡ đẻ, hoặc chê trách một nhân viên hải quan mà không biết cách giáo dục doanh nghiệp đừng trốn thuế không?
Trong khi đó, mọi người lại có vẻ như đòi hỏi giáo viên cái gì cũng phải biết, cũng phải làm tốt. Hiện nay giáo viên trong trường phổ thông là người vừa giảng dạy môn mình được đào tạo, vừa giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống hàng ngày của học sinh, vừa dạy kỹ năng sống, kiêm luôn dạy giá trị sống, đạo đức cho học sinh.
Giáo viên chỉ gặp gỡ học sinh nhiều nhất mỗi ngày là 8 giờ đồng hồ, mỗi giáo viên cũng chỉ được đào tạo một chuyên ngành nhất định. Vậy mà xã hội buộc họ phải làm tốt không được phép sai lầm cả những việc họ không được đào tạo bài bản?
Có người cha mẹ nào trong suốt quá trình nuôi dạy con cái dám tự hào rằng từ khi con nhỏ đến khi trưởng thành không hề mắng con một lần, hay không hề đánh con một roi? Hiển nhiên là không. Mà đó chỉ là một gia đình nhỏ vài đứa con. TRong khi đó, người giáo viên phải quản lý những lớp hàng chục học sinh đủ mọi cá tính, đủ mọi tính cách, đủ mọi thành phần xuất thân. Tại sao lại đòi hỏi họ lúc nào cũng cười tươi, thân thiện, nói năng nhẹ nhàng, không được quát nạt?
Người giáo viên trong xã hội hiện nay giống như chàng hiệp sĩ Don Quixote (nhà quý tộc trong tiểu thuyết của nhà văn Cervantes) cưỡi một con ngựa còm, với ngọn giáo gãy mà buộc phải chiến đấu với những cối xay gió hùng mạnh.
Làm sao giáo viên có thể giáo dục học sinh sự trung thực khi hàng ngày phải dặn học sinh nói là không đi học thêm khi có ai hỏi, kẻo thầy cô bị lập biên bản phạm pháp quả tang về tội “dạy thêm học thêm” như một tên tội phạm?
Làm sao thầy cô có thể dạy học sinh sống lương thiện khi nhan nhản trong xã hội có vô số cảnh chạy trường, chạy lớp, thậm chí cả “sáng kiến” tạo ra những lớp học VIP trong trường?
Đòi hỏi người giáo viên thì nhiều, nhưng đãi ngộ mà xã hội dành cho họ thế nào? Mỗi lần lễ tết đến, các thầy cô giáo có lẽ là người ngượng ngập nhất khi nói về thưởng tết của mình.
Trong khi ngành này ngành nọ thưởng trăm ngàn này, triệu nọ, thậm chí cả chục triệu, thì giáo viên được gì? Vài chục ngàn chưa đủ ăn 2 tô phở. Giáo viên không cần có cái tết tươm tất sao?
Có lẽ, đã đến lúc cần thay đổi mạnh mẽ cách nhìn về người thầy giáo trong xã hội hiện đại. Hãy nhìn nhận người thầy giáo như là một con người bình thường, cũng có những vui, buồn, nóng giận.
Nếu họ có những sơ sẩy nào đó trong công việc thì xã hội cũng hãy nhìn nhận đó như là những tai nạn nghề nghiệp mà bất cứ ngành nghề nào cũng có thể gặp. Đừng “phong thánh” giáo viên để rồi buộc học phải trở thành một mẫu mực, không được phép có tì vết.
Kính chúc những người đang làm thầy, làm cô vững tâm kiên trì và có được nhiều hơn những sự cảm thông trong ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Phạm Phúc Thịnh http://vnexpress.net
|