Đạo làm thầy 20/11/2010
Ngày Nhà giáo 20.11 năm nay đến trong khi hàng trăm trường học ở miền Trung còn chưa khô những vết bùn sau lũ, mỗi học trò đến trường chỉ trơ trọi vài quyển vở cứu trợ trên tay.
Cảm xúc về “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” giữa những ngày này chợt xao động trong lòng mỗi thầy cô.
Dường như cái nghề mà tôi theo đuổi hôm nay bắt nguồn từ thuở học trò. Tôi kính yêu những người thầy đạo cao đức trọng của mình. Ngày ấy, giờ dạy của thầy tuy còn thiếu những giáo cụ trực quan, nhưng chúng tôi đã hào hứng nhận từ thầy những tia nắng đầu tiên của chân trời mênh mông kiến thức. Đó là những bài giảng như “truyền lửa” khiến học trò mê say nuốt từng lời. Tôi yêu nghề, một niềm yêu trong sáng, chân thành.
Nghề cũng yêu tôi, cho tôi niềm vui khi nhìn những học trò. Nhưng dù là niềm yêu thiết tha nhất đôi lúc cũng gợn lên những nỗi buồn… có cớ. Vì quá nôn nóng cải thiện đời sống gia đình, một số ít đồng nghiệp của tôi đã “pha loãng mình nhạt hơn nước ốc” khi bằng mọi thủ thuật tổ chức dạy thêm để tăng thu nhập. Nhà trường đã có hơi hướng thương trường khiến không ít phụ huynh nghèo phải chạy sấp chạy ngửa vào mùa khai giảng. Càng buồn hơn khi không ít giáo sinh ra trường, cầm đơn xin việc chạy khắp nơi nhưng cánh cửa tuyển dụng chỉ thi thoảng mở ra rồi lạnh lùng đóng kín…
Buồn vậy nhưng lòng yêu nghề của hầu hết giáo viên vẫn vẹn nguyên khi nghĩ về những cô giáo trên bản xa heo hút, trong cặp lúc nào cũng đầy đủ kim chỉ vá khâu để những tấm áo học trò bớt mong manh khi mùa đông vùng cao đang đến. Có nơi thầy cô cặm cụi lau từng cái bàn, rửa từng cái ghế, phơi từng quyển sách, nhanh chóng đưa thư viện vào hoạt động sau trận lụt trắng trời để các em có điều kiện củng cố và khơi thông bài học.
Trước những tấm gương đồng nghiệp lặng lẽ mà chí tình như thế, tình yêu sư phạm của tôi và nhiều nhà giáo khác không có lý do gì nguội lạnh, càng không có lý do gì làm mờ đi chữ “Tâm” của đạo làm thầy.
Trần Cao Duyên (theo Thanhnien-online)
|